Nhận định Nguyễn_Nhạc

Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc là người phát động phong trào Tây Sơn. Ông là người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc gây dựng phong trào buổi đầu cho đến khi dựng thành một cơ đồ riêng. Vua em Nguyễn Huệ trẻ trung, hùng lược (khi khởi nghĩa mới 18 tuổi) sở dĩ sau này lập được nhiều chiến công hiển hách cũng nhờ vào cơ sở gây dựng ban đầu của ông[24].

Chính bởi vai trò gây dựng của ông cho Nhà Tây Sơn sau này lớn mạnh và lập được nhiều chiến công (kể cả khi ông không còn vai trò "cầm trịch" đại cuộc), Nhà Nguyễn rất căm ghét ông và các sử gia triều đại này luôn gán cho ông, không chỉ là "tội" với "triều đình" mà còn cả những điều xấu nhiều hơn cả trong 3 anh em Tây Sơn[25].

Do những chiến công hiển hách của Nguyễn Huệ, tên tuổi của ông trong những nhà lãnh đạo Tây Sơn có phần bị lu mờ. Thậm chí ngoài các sử gia Nhà Nguyễn, còn không ít nhà sử học ngày nay phê phán những sai lầm của ông và chê ông kém tài. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận khách quan có thể thấy Nguyễn Nhạc đã có những quyết định sáng suốt trong những thời điểm then chốt.

  • Xuất thân từ biện lại trong vùng núi, Nguyễn Nhạc đã chứng tỏ tài năng kiệt xuất của người đề xướng và lãnh đạo khi biết tập hợp và thu dụng mọi lực lượng trong xã hội để xây dựng thành một đội quân đông đảo, mạnh mẽ, đủ sức quật ngã Chúa Nguyễn. Ông biết tranh thủ không chỉ sức dân trong nước mà còn cả hoạt động ngoại giao với các nước láng giềng như Chân Lạp và sau này là Xiêm La để củng cố thực lực cho mình.
  • Đứng trước tình thế bị cả quân Trịnh và quân Nguyễn từ hai đằng ép lại, Nguyễn Nhạc tìm ra đường giải nguy là giảng hoà với kẻ địch lớn mạnh hơn lúc đó là họ Trịnh để rảnh tay lo việc phía nam. Hơn nữa, trong thế bị dồn vào chân tường, ông còn mạnh dạn, quyết đoán sử dụng người em Nguyễn Huệ mới 23 tuổi, chưa từng làm chủ tướng, cầm quân đi đánh một trận quyết định (Phú Yên) mà chỉ có thắng mới còn đường sống.
  • Nguyễn Nhạc biết tận dụng xung đột trong nội bộ gia tộc Chúa Nguyễn để phát động khởi nghĩa. Ông đã giơ khẩu hiệu ủng hộ Nguyễn Phúc Dương, như cách Trần Thắng đã làm khi giả cách xưng ủng hộ công tử Phù Tô nhà Tần chết oan để khởi nghĩa chống vua cướp ngôi Tần Nhị Thế. Thậm chí con bài Nguyễn Phúc Dương còn được ông sử dụng tới lần thứ hai trong cuộc chiến chống Chúa Nguyễn (Phúc Thuần). Khi quyền thần Trương Phúc Loan, "tiêu điểm trừ khử" ban đầu đã chết (về tay quân Trịnh), ông lại gả con gái cho Dương để lung lạc một bộ phận tướng sĩ của Chúa Nguyễn và chính con bài chính trị này góp phần giúp Nguyễn Huệ làm nên trận tái chiếm Phú Yên mang ý nghĩa sống còn với chính quyền Tây Sơn.
  • Ban đầu ông đã có ý định ngăn cản Nguyễn Huệ phát triển tài năng và cơ nghiệp riêng. Hiển nhiên điều đó là khó tránh khỏi, một phản xạ như bản năng của một ông vua khi còn đương quyền và sung sức. Nhưng khi đã nhận ra tài năng của Nguyễn Huệ có thể đảm đương được đại sự và biết thực lực của mình khi về già, Nguyễn Nhạc đã tự nguyện rút lui để nhường ngôi hoàng đế cho em, quyết không để việc tranh chấp trong nhà cho kẻ địch lợi dụng như anh em Trịnh Cối, Trịnh Tùng trước đây và chính anh em Quang Bảo, Quang Toản sau này. Ông đã nhận thấy được hậu quả của cuộc xung đột lần trước khiến kẻ địch lợi dụng và ông đã biết sửa chữa sai lầm. Hành động đó của Nguyễn Nhạc rất đúng đắn và nếu như vua em không sớm ra đi để hoàn thành việc tiêu diệt Nguyễn Ánh, thống nhất giang sơn, xây dựng Việt Nam hùng mạnh, người đời sau sẽ còn ca ngợi đức độ của ông giống như vua Đường Cao Tổ Lý Uyên, biết rút lui đúng lúc cho con là Lý Thế Dân (Thái Tông) hoàn thành cơ nghiệp rực rỡ của Nhà Đường. Những điều kiện khách quan không cho ý định của ông (và vua em) thành hiện thực.

Hiển nhiên anh em Tây Sơn, trong đó có Nguyễn Nhạc, đã phạm phải một số sai lầm và Nhà Tây Sơn phải trả giá cho sai lầm của những người lãnh đạo. Tên tuổi của Nguyễn Nhạc có thể không nổi tiếng như Nguyễn Huệ nhưng nói đến khởi nghĩa Tây Sơn, cái tên đầu tiên được nhắc đến là Nguyễn Nhạc[26]

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tranh luận về quan điểm giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ trong việc "đánh nam dẹp bắc" (xem thêm bài về Nguyễn Huệ). Bản ý của vua Thái Đức là chỉ đánh chiếm Phú Xuân để thay thế Chúa Nguyễn cai quản Nam hà mà thôi. Có ý kiến cho rằng ông muốn tập trung sức lực tận diệt lực lượng của Nguyễn Ánh và tham vọng phát triển về phía nam, mở rộng bờ cõi sang Chân Lạp. Việc Nguyễn Huệ bắc tiến Thăng Long hoàn ngoài dự định của ông, không chỉ khiến quân Tây Sơn phải phân tán lực lượng ra bắc mà về mặt cá nhân, sự phát triển lực lượng riêng của Nguyễn Huệ ảnh hưởng đến quyền lực toàn cục của ông, dần dần sẽ khó kìm chế được. Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái, một trong số ít những sách mô tả khá sinh động, chân thực về vua Thái Đức, chính lần ra bắc gọi em về, vua Thái Đức đã nói rõ với người Bắc hà quan điểm của ông để người Bắc hà yên tâm rằng ông không hề có ý định chiếm giữ đất này. Ông không muốn kết oán với người Bắc hà, theo ông là một nước lớn có truyền thống lâu đời, và cho rằng, dù đời ông có chiếm được thì đời con cháu ông cũng không giữ được[27].